Môi giới bất động sản là gì và sự thật cần biết về nghề môi giới
Môi giới bất động sản là gì?
Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định:
“Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.”
Qua đó có thể hiểu nhân viên môi giới bất động sản là cầu nối giữa khách hàng và những người có nhu cầu bán bất động sản. Thông qua nhân viên môi giới mà khách hàng sẽ chọn được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Bên cạnh đó, nhân viên môi giới cũng sẽ hỗ trợ khách hàng hoàn tất các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, tư vấn pháp lý. Đồng thời cũng sẽ giúp người bán bán được bất động sản với giá tốt.
Môi giới bất động sản có một vị thế quan trọng không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tìm hiểu thêm:
Cách xem hợp đồng đặt cọc mua nhà
Quy trình và thủ tục mua bán nhà đất
Lưu ý khi đầu tư bất động sản
Tìm hiểu công việc của nhân viên môi giới bất động sản
Theo Điều 63 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 về nội dung môi giới bất động sản có quy định như sau:
“1. Tìm kiếm đối tác đáp ứng các điều kiện của khách hàng để tham gia đàm phán, ký hợp đồng.
2. Đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
3. Cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.”
Tuy nhiên trên thực tế, để ứng tuyển làm nhân viên kinh doanh bất động sản thì bạn phải hiểu được những công việc sau:
- Tìm kiếm khách hàng thông qua các hình thức marketing như: chạy quảng cáo, xây dựng website SEO từ khóa sản phẩm bất động sản muốn bán, xây dựng personal branding trên các nền tảng mạng xã hội, tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng trên các group facebook,...
- Trước khi tìm khách hàng, nhà môi giới cần hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu để mua sản phẩm: độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, vị trí, sở thích, tại sao họ phải mua sản phẩm của bạn mà không phải của người khác?...Sau khi có được những thông tin này, bạn sẽ đem đi so sánh với sản phẩm bất động sản của mình xem sản phẩm có đáp ứng được đặc điểm và nhu cầu của họ không, đáp ứng bao nhiêu phần trăm. Từ đó sẽ tiến hành phân tích hành trình mua hàng để lọc và đưa ra thứ tự khách hàng cần được ưu tiên “sale trước”.
- Gặp gỡ khách hàng để cung cấp những thông tin, tiềm năng của dự án (vị trí, tiện ích, chủ đầu tư,...), tư vấn các chương trình bán hàng, khuyến mãi, hỗ trợ cho vay,...
- Hỗ trợ khách hàng hoàn tất các thủ tục pháp lý, giao dịch mua bán chuyển nhượng và các thủ tục ký kết hợp đồng
- Thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh theo định hướng của công ty
- Thường xuyên chăm sóc khách hàng cũ: Đây là bước mà nhà môi giới cần phải duy trì trong suốt quá trình làm môi giới bất động sản. Không chỉ riêng ngành bất động sản mà bất kỳ ngành nghề nào thì khách hàng đến từ mối quan hệ quen biết thì quá trình bán hàng sẽ nhanh và tỷ lệ thành công cũng sẽ cao hơn. Vì vậy nhà môi giới bất động sản cần phải giữ liên lạc, thường xuyên thăm hỏi, tạo thiện cảm, xây dựng mối quan hệ với khách hàng cũ để họ tin tưởng, giới thiệu người quen tìm đến bạn.Tuy nhiên, bạn cũng cần phải tư duy linh hoạt về cách tiếp cận bằng cách đem lại những giá trị hữu ích cho mối quan hệ chứ không phải chỉ chăm chăm lo bán hàng khiến họ nghĩ rằng mình đang bị lợi dụng. Khi xây dựng mối quan hệ thực tâm, tạo dựng uy tín cá nhân thì cơ hội sẽ sớm đến với bạn.
Điều kiện trở thành nhà môi giới bất động sản
Theo Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản quy định:
“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.”
Như vậy cá nhân hay tổ chức muốn trở thành nhà môi giới bất động sản hợp pháp thì đều cần phải có chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề có thời hạn sử dụng 5 năm và do Bộ trưởng Bộ Xây dựng cấp
Theo khoản 1 Điều 68 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản yêu cầu các điều kiện sau đây:
“a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
c) Đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản.”
Ưu điểm của nghề môi giới bất động sản
Thời gian làm việc linh hoạt, môi trường làm việc thoải mái
Nghề môi giới bất động sản thường không bị ràng buộc về thời gian phù hợp với những năng động, thích bay nhảy, muốn bước ra vùng an toàn để làm mới bản thân. Vì đặc thù công việc nên những nhà môi giới bất động sản không bắt buộc phải có mặt ở văn phòng 8 tiếng/ngày mà sẽ di chuyển đến nhiều địa điểm để gặp khách hàng, đưa khách đi xem nhà mẫu,...Điều này sẽ giúp các nhà môi giới toàn quyền kiểm soát thời gian mà lại có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng.
Không giới hạn độ tuổi
Cũng bởi thời gian và môi trường làm việc linh hoạt mà nghề môi giới bất động sản thường phù hợp với nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Ngoài những nhà môi giới được đào tạo bài bản thì vẫn có rất nhiều các nhà đầu tư trái nghề từ trẻ đến lớn tuổi. Họ tìm đến nghề môi giới bất động sản để kiếm thêm thu nhập cũng như có thêm kiến thức về thị trường.
Thu nhập không giới hạn
Mức lương cơ bản của nhân viên môi giới bất động sản ở các công ty thông thường chỉ dao động từ 3 đến 5 triệu hoặc không có lương cơ bản. Ngược lại, thu nhập nhận được từ mỗi giao dịch bất động sản thành công tương đối lớn. Tùy thuộc vào chính sách hoa hồng của mỗi công ty và giá trị hợp đồng giao dịch mà thu nhập nhận được sẽ khác nhau. Điều này cho thấy tiềm năng làm giàu từ nghề môi giới bất động sản là rất lớn.
Cơ hội mở rộng mối quan hệ
Cũng nhờ những buổi gặp gỡ khách hàng đối tác mà nhà môi giới sẽ mở rộng được mối quan hệ. Khách hàng và đối tác bất động sản sẽ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, nếu giữ được mối quan hệ này, nhà môi giới có thể tạo dựng được nguồn khách hàng tiềm năng.
Những khó khăn gặp phải khi làm nghề môi giới bất động sản
Tự chủ động tìm kiếm khách hàng
Để thành công trong nghề môi giới bất động sản, ngoài sự hỗ trợ marketing từ phía công ty thì bản thân nhà môi giới phải biết tự tìm kiếm và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng. Điều này có thể dễ với những nhà môi giới có thâm niên nhưng với những nhà môi giới mới thì việc tự tìm kiếm khách hàng quả là một điều khó khăn.
Bị khách hàng từ chối
Đây không chỉ là vấn đề của những nhân viên kinh doanh ngành bất động sản mà là vấn đề chung của nhiều ngành nghề khác. Hiện nay mặc dù quan niệm về nghề môi giới bất động sản đã được nhìn nhận với ánh mắt tích cực hơn nhưng cũng sẽ gặp những khách hàng không mấy thiện cảm với nghề này bởi “những con sâu làm rầu nồi canh” làm ăn không chân chính. Mỗi khi nhận được điện thoại từ nhân viên tư vấn là khách hàng lập tức tắt máy, tệ hơn nữa là nói những nói không hay khiến người tư vấn bị hụt hẫng, nhất là những người mới vào nghề.
Bên cạnh đó, nhà môi giới cũng có thể gặp phải rất nhiều điều không vừa ý từ khách hàng. Nhiều khách hàng sau khi tư vấn đã đồng ý đi ký hợp đồng đặt cọc nhưng đến phút cuối lại hủy giao dịch khiến nhà môi giới mất rất nhiều công sức. Đối với các nhà môi giới nữ trẻ cũng có nguy cơ bị khách hàng nam trêu ghẹo không nghiêm túc…Nếu không có kỹ năng xử lý tình huống khéo léo thì sẽ dễ mất khách mà cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến bản thân.
Các kỹ năng cần có để trở thành nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp
Chọn được công ty bất động sản uy tín, phù hợp
Hiện nay hầu hết các nhà môi giới thường hoạt động ở một công ty hoặc đại lý môi giới bất động sản. Mỗi đơn vị sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu, chế độ hoa hồng và KPI khác nhau. Đối với những nhà môi giới, đặc biệt là người mới vào nghề cần tìm được cho mình một “bến đỗ” phù hợp đề có thể học hỏi, phát triển và có cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Kỹ năng giao tiếp và đàm phán
Đây là kỹ năng quan trọng nhất để trở thành nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp.
Nếu không có kỹ năng giao tiếp linh hoạt thì nhà môi giới sẽ khó thu hút và tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng. Bên cạnh đó, kỹ năng đàm phán, thuyết phục sẽ giúp nhà môi giới bất động sản thuyết phục được khách hàng, đàm phán với các bên liên quan để khách hàng có được sản phẩm với mức giá tốt nhất.
Kiến thức sâu về sản phẩm và hiểu biết rộng về thị trường
Dĩ nhiên, muốn bán được sản phẩm thì bản thân người bán phải thực hiểu rõ về sản phẩm (đặc điểm, ưu, nhược điểm, tiềm năng sinh lời,...). Nếu nhà môi giới không nắm rõ về sản phẩm mà đi tư vấn cho khách thì sẽ bị cho là thiếu chuyên nghiệp, khó xây dựng được lòng tin đối với khách hàng.
Song song đó, hiểu biết về thị trường là yếu tố giúp nhà môi giới bất động sản “sống lâu” được với nghề. Bởi khi hiểu về tiện ích, kiến thức về phong thủy, tiềm năng tăng trưởng của dự án, tỷ lệ cạnh tranh,...thì nhà môi giới sẽ dễ dàng bán được sản phẩm hơn.
Mỗi một ngành nghề đều có những ưu nhược điểm riêng. Để trở thành nhà môi giới bất động sản thành công không bao giờ là dễ dàng. Nhưng thành công sẽ đến với những nhà môi giới có chăm chỉ trau dồi kiến thức, kỹ năng và xây dựng mối quan hệ chất lượng hàng ngày.
Đăng ký nhận thông tin
Tin thị trường | 26-06-2024
Những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ tác động đến thị trường bất động sản ra sao?
Tin thị trường | 04-06-2024
2 dự án hạ tầng của Tp.HCM được bổ sung vào danh mục công trình quan trọng quốc gia
Tin nổi bật | 21-05-2024